Câu chuyện xuất phát từ clip của chị Becky Chan,ándừađánhgiàyhétgiámắt phải giật nam 37 tuổi, người Đài Loan sống tại Việt Nam từ năm 2009. Theo nội dung đăng tải, chị cảnh báo những hành vi "lừa đảo đường phố" của người bán dừa và đánh giày ở trung tâm TP.HCM.
"Hàng rong nên bán 15.000 – 20.000 đồng/trái dừa"
Mở đầu clip, chị giới thiệu đang đứng ở Bảo tàng TP.HCM trên đường Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM). "Tôi sẽ thử xem những người bán dừa ở đây lừa đảo khách du lịch như thế nào. Tôi cũng ăn mặc giống khách du lịch hơn, tôi cũng đi giày thể thao và mang theo một cuốn sách du lịch", Becky Chan mở đầu clip.
Người nước ngoài tố hàng rong, đánh giày ở TP.HCM "chặt chém"
Khi chị đang đi trên vỉa hè quanh bảo tàng thì có người đàn ông gánh theo thùng xốp bắt chuyện và chỉ đường. Sau đó, người đàn ông lấy 1 trái dừa đưa cho chị và báo giá 150.000 đồng. Khi chị hỏi lại lần nữa thì người này hạ giá xuống còn 50.000 đồng. Nữ TikToker cho rằng giá đắt và đi vào bên trong bảo tàng.
Chị cũng quay hình một gia đình người Trung Quốc đang được đánh giày. Trong clip, gia đình này cho hay: "Người ta ra giá 350.000 đồng nhưng tôi nói đắt quá không đưa. Người ta nói 300.000 đồng, tôi nói không. Sau đó người ta nói 200.000 đồng nhưng tôi không đưa".
Becky Chan đặt câu hỏi: "Vậy người ta cởi giày của bạn à?". "Đúng rồi, cởi ra ngay. Tôi còn không có thời gian để phản ứng… Sau đó tôi chỉ cho 50.000 đồng". Gia đình này cũng nói đã mua 2 trái dừa với giá 150.000 đồng. Nữ TikToker nói: "Rất đắt. Thường chỉ 15.000 đồng ở ven đường".
Khi người đàn ông người Trung Quốc kể đã được người bán hàng nhắc không cầm điện thoại ngoài đường thì nữ TikToker khẳng định: "Đó là lừa đảo. Chỉ giả vờ thân thiện thôi".
Sau 2 ngày đăng tải, clip thu hút hơn 54.000 lượt xem và các luồng ý kiến trái ngược nhau. Một bên cho rằng đây là cách làm chụp giựt của những người bán hàng rong: "Những người đó quan tâm gì chuyện du lịch, cứ lừa được người nào là có tiền rồi", "Vì những người như vậy mà khách du lịch chỉ đến Việt Nam một lần cho biết".
Một bên lại quan điểm 50.000 đồng/trái dừa là bình thường. "50.000 đồng có gì mà mắc nhỉ, mình mua trái dừa ở Đồ Sơn 50.000 đồng từ năm 2018 rồi". "Tùy nơi họ nhập dừa, tiền ướp lạnh, tiền công đi vòng vòng"…
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Becky Chan cho biết, chị thường đi bộ ở Q.1 và mỗi lần đi ngang Bảo tàng TP.HCM thường thấy những người bán dừa. Chị từng đọc về những người này "lừa đảo khách du lịch" nên muốn tự tìm hiểu. Và sự việc diễn ra như clip mà nữ TikToker quay lại.
"Giá dừa bán ở những gánh hàng rong và ở trong nhà hàng chắc chắn là khác nhau. Nói chung, giá ven đường nên là 15.000 – 20.000 đồng. Khách du lịch Trung Quốc hôm đó mua 2 trái dừa với giá 150.000 đồng là cao hơn so với giá thị trường. Bạn tôi từng mua dừa ở đây nhưng khi người bán báo giá thì nói là 16.000 đồng, nhưng khi trả tiền lại nói là 60.000 đồng khiến người nước ngoài tưởng mình nghe nhầm. Nếu người bán báo giá rõ ràng và khách hàng chấp nhận thì đó là giao dịch bình thường. Tuy nhiên, người bán thường chặt quả dừa rồi mới chào giá khiến khách hàng rơi vào thế khó và tức giận", chị nói.
"Mong cơ quan chức năng vào cuộc"
Theo nữ TikToker, sau khi chị đăng video, nhiều người đã để lại lời nhắn và chia sẻ rằng họ cũng từng bị lừa tương tự. "Điều này ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam, du khách nước ngoài rất lo lắng và sợ hãi khi đi trên đường, đặc biệt là những người đánh giày hung hãn khiến du khách hoảng sợ và không biết nên xử lý tình huống đó như thế nào, nên họ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả mức giá cao", TikToker người Đài Loan nhận xét.
Chị cũng cho hay, ở quê hương của chị, giá cả ở các khu du lịch tương đối cao nhưng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, giá cả đều được ghi rõ ràng. "Tôi không thể khẳng định là không xảy ra hành vi lừa đảo này, nhưng trường hợp chặt chém khách du lịch rất ít khi xảy ra", Becky Chan bày tỏ.
Nữ TikToker cho rằng, chị đăng video vì muốn nhắc nhở du khách đừng quá để tâm đến những người bán dừa và đánh giày trên đường phố. Chị hy vọng cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý những việc này.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Sở Du lịch đã yêu cầu thanh tra Sở phối hợp Công an TP.HCM tiến hành rà soát, kiểm tra clip được chia sẻ trên mạng xã hội. Ông Hòa cũng đề nghị lực lượng tăng cường kiểm tra tại các điểm du lịch, di tích, bảo tàng của TP, đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận thông tin để xử lý kịp thời, ngăn chặn nạn "chặt chém", làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch thành phố.
"Tại các điểm đến du lịch tại TP.HCM có thanh niên xung phong để hướng dẫn, hỗ trợ du khách kịp thời. Tuy nhiên, do số lượng điểm đến hiện nay khá nhiều nên lực lượng kiểm tra không thể nào đảm bảo kiểm soát hoàn toàn. Khi có bất cứ vấn đề nào liên quan, nghi chặt chém, du khách có thể gọi ngay 1022, nhánh số 8 để phản ánh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh để can thiệp, hỗ trợ du khách đến TP.HCM", ông Lê Trương Hiền Hòa thông tin.