Vừa mở cửa đón nhận người mới,ộngcửađónngườitàigiỏiGiữchânngườigiỏisẵncó88vin.tv vừa phát hiện nhân tố xuất sắc trong bộ máy để bồi dưỡng, đãi ngộ là thông điệp chính được lãnh đạo TP.HCM giao đề bài cho Sở Nội vụ khi xây dựng chính sách thu hút người tài.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhân (ảnh), Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, chia sẻ bản thân nhận được nhiều ý kiến góp ý rằng tại sao không phát hiện và có chính sách đãi ngộ người tài từ nguồn tại chỗ mà để họ nghỉ việc rồi lại phải tiến hành thu hút từ nguồn bên ngoài vào khu vực công.
Hơn 5 năm thực hiện Nghị định 140/2017 của Chính phủ, TP.HCM không thu hút được sinh viên (SV) tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nào, vì sao thưa ông?
Theo tôi, điều này có thể do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trước tiên những tiêu chí đưa ra để thu hút trong Nghị định 140/2017 rất cao. Số lượng SV tốt nghiệp có thành tích như yêu cầu là rất ít và nếu có thì cũng được thu hút vào làm việc ở khu vực tư nhân với nhiều đãi ngộ rất cao.
Về phần chủ quan, các cơ quan, đơn vị ở TP.HCM chưa mạnh dạn đăng ký nhu cầu thu hút SV tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ do còn e ngại về nguồn tuyển dụng hạn chế. Đồng thời, chế độ, chính sách đãi ngộ cho các đối tượng này cao hơn so với mặt bằng chung của cán bộ, công chức, viên chức nên có khả năng sẽ làm phát sinh tình trạng so bì, thiếu hợp tác, gây mất động lực làm việc. Do vậy, 5 năm qua, TP.HCM không tuyển dụng được từ nguồn này.
Có phải do khó tìm người tài nên TP.HCM hạ tiêu chí và mở rộng đối tượng?
Để thu hút, tuyển dụng được nhiều SV xuất sắc, nhà khoa học trẻ, chúng tôi đã đề xuất mở rộng tiêu chí tuyển chọn so với quy định ban đầu của Nghị định 140, đồng thời coi trọng yếu tố đánh giá năng lực công vụ và áp dụng chính sách đãi ngộ theo hiệu quả công việc. Ví dụ, nếu hoàn thành xuất sắc thì được hưởng 100% mức hỗ trợ, còn hoàn thành tốt thì được hưởng 80%, và không chi hỗ trợ nếu chỉ hoàn thành nhiệm vụ trở xuống.
Thực tế, nhiều cán bộ, công chức, viên chức dù chưa đáp ứng đủ hết các tiêu chuẩn, điều kiện theo Nghị định 140 nhưng có nhiều thành tích học tập, lao động xuất sắc, có nhiều cống hiến, có nhiều sản phẩm, công trình thực sự có giá trị cao, mang lại lợi ích to lớn cho cơ quan, đơn vị và thành phố.
Tuy nhiên, các đối tượng này chưa được xem xét, có chính sách quan tâm để khuyến khích, động viên và phát huy năng lực. Do vậy, cần phải mở rộng đối tượng và đa dạng hóa tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng để vừa tăng số lượng được tuyển dụng, đồng thời thu hút được nguồn lực chất xám thực sự có giá trị vào làm việc trong hệ thống chính trị.
TP.HCM trả lương 120 triệu đồng để thu hút và giữ chân người tài
Tại hội thảo của Sở Nội vụ tổ chức mới đây, có ý kiến cho rằng tiêu chí tuyển dụng chỉ nhỉnh hơn tiêu chuẩn của công chức, viên chức thì liệu có tìm được người tài?
Chúng tôi xác định 3 nhóm đối tượng thu hút nhằm đảm bảo phù hợp với thực trạng và điều kiện của thành phố. Nhóm 1 là SV tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, nhà khoa học trẻ tài năng theo Nghị định 140. Nhóm 2 là những trường hợp chỉ thiếu từ 1 - 2 tiêu chuẩn của SV tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và nhà khoa học trẻ tài năng. Và nhóm 3 là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn ít nhất 10 năm công tác, và có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ, nhiệm vụ chuyên môn trong vòng 10 năm trở lại.
Việc phân thành 3 nhóm thể hiện tinh thần cởi mở, trọng dụng trí thức, từ những tài năng trẻ trong và ngoài nước cho đến những cán bộ, công chức, viên chức đã và đang có nhiều cống hiến. Đây cũng là cơ sở để tuyển chọn hạt giống ưu tú, có tiềm năng phát triển cao để tiếp tục bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế cận.
Các chính sách đãi ngộ mà Sở Nội vụ đang xây dựng có gì đột phá, thưa ông?
Ngoài chính sách lương, phụ cấp và thu nhập tăng thêm theo quy định chung, TP.HCM sẽ hỗ trợ thu nhập từ 2 - 4 lần lương tối thiểu vùng (4,68 triệu đồng/tháng), chính sách khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo có thể nhận tối đa 1 tỉ đồng, hỗ trợ tiền thuê nhà 7 triệu đồng/tháng và hỗ trợ lãi vay khi vay vốn tạo lập nhà ở. Chính sách hỗ trợ thu nhập áp dụng trong 5 năm và gia hạn hằng năm.
Những trường hợp công chức, viên chức nào sẽ được đăng ký tham gia chính sách mới?
Cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở xuống trong các cơ quan, đơn vị cấp sở, cấp huyện và tương đương đều có thể tham gia. Công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn thì đưa vào diện áp dụng chính sách mà không cần phải thi tuyển lại.
Sở Nội vụ đang hoàn chỉnh dự thảo báo cáo UBND TP trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm, để có thể áp dụng từ năm 2024.
Đánh giá đúng yếu tố "xuất sắc"
TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường đại học sư phạm TP.HCM, cho rằng cần xem xét lại nội hàm "SV tốt nghiệp xuất sắc" vì các cơ sở đào tạo khác nhau sẽ có đánh giá khác nhau.
Đồng quan điểm, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Lê Minh Đức gợi ý thay vì chỉ dựa theo bằng cấp tốt nghiệp của SV thì cần có cơ chế đánh giá, xét duyệt để lựa chọn SV có năng lực thực sự xuất sắc. Ông Đức cũng đề xuất thêm cơ chế ươm mầm tài năng trẻ, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài rồi quay lại phục vụ bộ máy hành chính công.